​QUAN HỆ  VIỆT NAM – NIU DI-​LÂN:

1. Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam: 19/6/1975

2. Quan hệ chính trị:

- Ngày 19/6/1975, Việt Nam và Niu Di-lân thiết lập quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên trong giai đoạn 1975-1989 hợp tác giữa hai nước hầu như chưa có gì đáng kể.

- Giai đoạn 1990-2008, Niu Di-lân khôi phục lại quan hệ với Việt Nam và đến tháng 11/1995 mở Đại sứ quán Niu Di-lân tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán tại TP Hồ Chí Minh. Việt Nam lập Đại sứ quán tại Niu Di-lân tháng 5/2003; và mở Văn phòng Thương vụ (năm 2005 tại thành phố Auckland, đến cuối năm 2007 chuyển về Thủ đô Wellington).

- Giai đoạn 2009 đến nay, quan hệ hai nước được nâng cấp thành "Quan hệ đối tác toàn diện" nhân chuyến thăm chính thức Niu Di-lân của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (9/2009). Hai bên duy trì các cuộc tiếp xúc và trao đổi đoàn cấp cao.

- Hai nước duy trì cơ chế họp Tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao (cấp Thứ trưởng) thành lập tháng 10/1996  (kỳ họp thứ 9 tổ chức 7/2013 tại Niu Di-lân và kỳ họp thứ 10 dự kiến sẽ tổ chức cuối 2014 tại Hà Nội). Hai nước đã hoàn tất chương trình hành động (CTHĐ) giai đoạn 2010-2013 (do Ngoại trưởng hai nước ký tháng 7/2010 bên lề ARF tại Hà Nội) và ký CTHĐ giai đoạn 2013-2016 (nhân chuyến thăm Việt Nam của Toàn quyền Niu Di-lân tháng 8/2013).

3. Quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư:

 - Về thương mại: Hai nước đã ký Hiệp định Thương mại vào tháng 7/1994. Ủy ban hợp tác Kinh tế và Thương mại (JTEC) được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2006 với tần suất họp 2 năm/lần. Vừa qua hai bên đã tổ chức phiên họp thứ 4 Ủy ban hỗn hợp Kinh tế-Thương mại Việt Nam-Niu Di-lân tại Hà Nội (11/2012), dự kiến phiên họp thứ 5 sẽ tổ chức vào cuối 2014 tại Niu Di-lân. Việc Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Ô-xtrây-li-a-Niu Di-lân (AANZFTA) có hiệu lực (từ tháng 01/2009) đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới về kinh tế-thương mại. Kim ngạch thương mại hai chiều hiện còn khiêm tốn, nhưng tăng dần qua các năm (320 triệu USD năm 2009, 475 triệu USD năm 2010, 525 triệu USD năm 2011, 569 triệu USD năm 2012, 724 triệu USD năm 2013). Hết tháng 01/2014, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 59 triệu USD tăng 7,3% so với cùng kỳ 2013 (xuất khẩu đạt 23,76 triệu USD chủ yếu là hàng thủy sản, hạt điều, máy móc thiết bị, gỗ và sản phẩm gỗ, điện thoại và linh kiện...); nhập khẩu đạt 35,28 triệu USD chủ yếu là các mặt hàng như: sữa và sản phẩm từ sữa, sản phẩm hóa chất, gỗ và sản phẩm gỗ, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày...).

- Về đầu tư: Đến nay, Niu Di-lân có 22 dự án với tổng vốn đầu tư 77,85 triệu USD, đứng thứ 42/101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam; tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, công nghiệp, chế biến, chế tạo, tài chính-ngân hàng, bảo hiểm, nông-lâm nghiệp và thủy sản tại 6 tỉnh/thành phố trong cả nước, chủ yếu tại Bình Định và TP. Hồ Chí Minh.

4. Về an ninh, quốc phòng:

+ An ninh: Tháng 5/2003, Bộ Công an Việt Nam chính thức đặt quan hệ hợp tác, trao đổi thông tin tội phạm với các cơ quan thực thi pháp luật của Niu Di-lân thông qua Sỹ quan liên lạc Cảnh sát Niu Di-lân thường trú tại Thái Lan kiệm nhiệm Việt Nam. Thời gian gần đây, cảnh sát Niu Di-lân đã hỗ trợ một số khóa tập huấn ngắn hạn chuyên về khoa học hình sự. Nhân chuyến thăm Việt Nam của Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Niu Di-lân (5/2010), hai bên đã ký Thỏa thuận Hợp tác Cảnh sát và phòng chống tội phạm xuyên quốc gia.

+ Quốc phòng: Ta và Niu Di-lân chính thức thiết lập quan hệ quốc phòng tháng 2/2002 với việc Niu Di-lân cử đoàn Quốc phòng thường trú tại Thái Lan kiêm nhiệm Việt Nam và ta cử Tùy viên Quốc phòng tại Ô-xtrây-li-a kiêm nhiệm Niu Di-lân (từ 2009). Việc trao đổi đoàn các cấp diễn ra khá thường xuyên (Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh thăm tháng 3/2013, Bộ trưởng Quốc phòng Niu Di-lân thăm tháng 11/2013 và ký Thỏa thuận hợp tác Quốc phòng song phương), Tham vấn quốc phòng (cấp Cục trưởng đối ngoại) được duy trì hàng năm. Niu Di-lân đã cấp một số học bổng đào tạo tiếng Anh và chỉ huy tham mưu cho Sĩ quan Việt Nam.

5. Quan hệ hợp tác khác:

- Về ODA: Niu Di-lân bắt đầu cấp ODA cho Việt Nam từ năm 1995; và tăng dần đều qua các năm: 3,2 triệu NZ$ năm 2003/2004; 3,1 triệu NZ$ năm 2004/2005; 4,7 triệu NZ$ năm 2005-2006; 6,7 triệu NZ$ năm 2006-2007; 10,5 triệu NZ$ năm 2007-2008; 10,9 triệu NZ$ năm 2009-2010; 10,4 triệu NZ$ năm 2010-2011 và 10,5 triệu NZ$ trong năm tài khóa 2012 – 2013. ODA của Niu Di-lân nhìn chung có hiệu quả, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như phát triển nguồn nhân lực (giáo dục-đào tạo), phát triển nông nghiệp-nông thôn, quản lý rủi ro thiên tai. Niu Di-lân đã hỗ trợ ta khắc phục hậu quả thiên tai hai lần trong năm 2009 thông qua Hội chữ thập đỏ (tháng 9 và tháng 11/2009) với tổng giá trị đạt 370.000 USD.

- Về giáo dục-đào tạo: Hai nước đã ký thỏa thuận Hợp tác về Giáo dục và Đào tạo cấp Chính phủ (2/2008) và ký Thỏa thuận hợp tác mới để thay thế (4/2012). Hai bên đã thiết lập Ủy ban chung về giáo dục và tổ chức cuộc họp đầu tiên (12/2010 tại Wellington). Năm 2009, Niu Di-lân nối lại tài trợ giai đoạn 3 Chương trình đào tạo tiếng Anh cho cán bộ Việt Nam (ELTO) với 18 suất học bổng/năm. Chính phủ Niu Di-lân đã quyết định tăng suất học bổng dành cho Việt Nam từ 18 lên 30 từ năm 2011. Hiện có khoảng gần 2000 sinh viên Việt Nam đang theo  học theo  chương trình  học bổng  Chính phủ  322,  165  hoặc  tự  túc   tại

Niu Di-lân. Ngoài ra khá đông sinh viên theo học các khóa đào tạo tiếng Anh (ELTO) và gần đây là học bổng ASEAN, do Chính phủ Niu Di-lân tài trợ.

- Khoa học-công nghệ: Hoạt động hợp tác về khoa học-công nghệ giữa Việt Nam và Niu Di-lân so với các lĩnh vực khác có tiềm năng phát triển. Hai bên đã ký Bản Ghi nhớ về Hợp tác Khoa học và Công nghệ (tháng 01/2010).

- Chuyên gia – lao động: Từ tháng 10/2009, Chính phủ hai nước đã có thỏa thuận về việc Niu Di-lân tiếp nhận 200 lao động có tay nghề của Việt Nam (100 kỹ sư và 100 đầu bếp) sang làm việc có thời hạn 03 năm. Thỏa thuận về Chương tŕnh lao động kỳ nghỉ (cấp phép cho lao động ngắn hạn trong vòng 01 năm) cũng được ký tháng 12/2011 và bắt đầu được triển khai trong thực tế từ tháng 7/2012.

+Việt kiều: Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam sống ở Niu Di-lân có khoảng 5.000 người Việt định cư và hơn 2000 sinh viên/nghiên cứu sinh, chủ yếu sinh sống ở Auckland, Chrischurch và Wellington. Đại bộ phận kiều bào có cuộc sống ổn định và có tinh thần hướng về quê hương đất nước, một số người đang làm cho công ty Niu Di-lân đầu tư tại Việt Nam như công ty điện tử Pertronic, xây dựng Hankins, Carter Holt Harvey.

+Nông nghiệp và phát triển nông thôn: Niu Di-lân rất tích cực hỗ trợ Việt Nam phòng chống cúm gia cầm thông qua việc hỗ trợ kinh phí trong "Chương trình hành động Quốc gia phòng chống cúm gia cầm và cúm ở người" và dự án "Hỗ trợ hệ thống giám sát cúm gia cầm tại Việt Nam".  Chính phủ Niu Di-lân, thông qua Cơ quan Hỗ trợ Phát triển Quốc tế Niu Di-lân, đã hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường trong giai đoạn chuẩn bị dự án "Hoàn thiện và Hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt  Nam" (Dự án VLAP); hiện đang xem xét phê duyệt việc tham gia hỗ trợ cho dự án.

+ Hợp tác về giao thông vận tải: Hiệp định Vận chuyển Hàng không giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Niu Di-lân ký ngày 17/10/2003 và có hiệu lực vào ngày 18/3/2010.  Hai bên đang xúc tiến ký kết Nghị định thư sửa đổi Hiệp định vận chuyển hàng không ký năm 2003. Hiện nay hai bên chưa có kế hoạch mở đường bay trực tiếp giữa hai nước.

+ Về quan hệ giữa Quốc hội hai nước: Quốc hội Việt Nam khóa XI đã thành lập Nhóm Nghị sỹ Hữu nghị Việt Nam – Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân (là một trong 34 Nhóm Nghị sỹ Quốc hội thuộc Tổ chức Nghị sỹ Quốc hội Việt Nam với các nước). Tháng 7/2007, Quốc hội Niu Di-lân thành lập Nhóm Nghị sỹ Hữu nghị Niu Di-lân – Việt Nam. Quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước tại các diễn đàn liên nghị viện khu vực và quốc tế diễn ra tốt đẹp. Chủ tịch Quốc hội Niu Di-lân thăm ta từ 14-17/4/2009 nhằm tăng cường quan hệ giữa hai Quốc hội hai nước.

6. Hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế:

Niu Di-lân đã sớm ủng hộ Việt Nam làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2008 – 2009. Hiện Niu Di-lân đang tích cực ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong quá trình đàm phán về Hiệp định Đối tác Chiến lược Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP); và hai bên đã cam kết ủng hộ ứng cử của nhau vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (Niu Di-lân nhiệm kỳ 2015-2016, Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2021).

7. Trao đổi đoàn Cấp cao:

 - Năm 1993: Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm Niu Di-lân (5/1993).

 - Năm 1994: Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Mc Kinnon thăm Việt Nam (7/1994).

 - Năm 1995: Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm Niu Di-lân (7/1995). Thủ tướng James Bolger thăm Việt Nam (11/1995).

 - Năm 1996: Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm thăm Niu Di-lân (7/1996).

 - Năm 1999: Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Mc Kinnon thăm Việt Nam (7/1999).

 - Năm 2000: Chủ tịch Quốc hội Jonathan Hunt thăm Việt Nam (4/2000).

 - Năm 2003: Thủ tướng Helen Clark thăm Việt Nam (10/2003).

 - Năm 2005: Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Niu Di-lân (5/2005). Toàn quyền Niu Di-lân Silvia Cartwright thăm Việt Nam (11/2005).

 - Năm 2007: Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm Niu Di-lân (9/2007).

 - Năm 2009: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm Niu Di-lân (9/2009). Chủ tịch Quốc hội Lockwood Smith thăm Việt Nam (4/2009).

 - Năm 2010: Thủ tướng John Key (7/2010) và BTNG (1/2010) thăm VN.

 - Năm 2012: Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Niu Di-lân (4/2012); BTNG Niu Di-lân thăm (11/2012)

 - Năm 2013: Toàn quyền Jerry Mateparae thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam (8/2013); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Niu Di-lân Bill English thăm Việt Nam (9/2013); Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Phùng Quang Thanh thăm Niu Di-lân (3/2013); Bí thư Thành ủy Hà Nội, Uỷ viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị thăm Niu Di-lân (tháng 9/2013).

 - Năm 2014: Bộ trưởng Ngoại giao Niu Di-lân (3/2014); Bộ trưởng phụ trách Phát triển Kinh tế kiêm Bộ trưởng Giáo dục Đại học, Kỹ năng, và Việc làm Niu Di-lân thăm làm việc tại Tp. HCM (3/2014).

8. Các cơ chế hợp tác:

- Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế và Thương mại: Thành lập năm 2005, do Thứ trưởng Công Thương chủ trì theo cơ chế hai năm/lần/luân phiên mỗi nước; kỳ 1 vào tháng 10/2005 tại Niu Di-lân; kỳ 2 vào tháng 10/2007 tại Hà Nội, kỳ 3 vào tháng 2/2010 tại Niu Di-lân, kỳ 4 vào tháng 12/2012 tại Hà Nội, kỳ 5 vào tháng 18/11/2014 tại Niu Di-lân.

- Tham khảo Chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao: Thành lập tháng 10/1996, theo cơ chế luân phiên 2 năm /lần; đến nay đã họp được 9 phiên (tại Hà Nội: Lần 1, 3, 5, 6,8, lần lượt vào các năm 1996, 2000, 2004, 2007, 2011; tại Niu Di-lân: Lần 2, 4, 7, 9 lần lượt vào các năm 1998, 2002, 2009, 2013).

- Tham vấn Quốc phòng: Thành lập tháng 9/2007; họp thường niên cấp Cục trưởng; đến nay họp được 5 phiên. Phiên thứ 5 được tổ chức vào 9/2012 tại Hà Nội.

- Tư vấn hàng năm về Hợp tác phát triển Việt Nam – Niu Di-lân: do Bộ KH – ĐT chủ trì, họp thường niên từ năm 1997; đến nay đã họp được 7 phiên.

​​

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​